Đánh giá hoạt tính sinh học các chủng nấm rễ phân lập trên một số cây thuốc của Việt Nam
Tóm tắt
Nấm rễ là nhóm nấm có quan hệ cộng sinh với nhiều thực vật, giúp thực vật cạnh tranh các nguồn tài nguyên thiết yếu. Chúng phát triển bằng cách phát triển hệ sợi ra vùng đất bao quanh rễ và lan dần ra xung quanh, nhờ đó làm tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng, nước của hệ rễ và đồng thời làm thay đổi cấu trúc đất theo chiều hướng có lợi. Nhiều nấm rễ có khả năng sinh các chất kháng các tác nhân gây bệnh, các chất có hoạt tính sinh học cao. Mục tiêu nghiên cứu nhằm chọn lựa một số chủng nấm có hoạt tính sinh học cao, để làm tiền đề cho nghiên cứu về tác động của chúng lên cây chủ, mối liên quan giữa chủng nấm với cây chủ. Nghiên cứu này đánh giá hoạt tính sinh học của các chủng nấm rễ cộng sinh được phân lập trên một số cây thuốc dân gian của Việt Nam là khổ sâm, bạch truật, tam thất, địa liền...
Nguyên liệu: Các chủng nấm rễ được sử dụng là: Chủng NR12 và NR13 phân lập từ rễ cây khổ sâm (Cronton tonkinensis Gagnep.); chủng NR5 và NR18 phân lập từ rễ cây bạch truật (Atractylodes macrocephala Koidz); chủng NR19 và NR20 phân lập từ rễ cây sắn dây (Pueraria thomsonii Benth.); chủng NR6, NR7 và NR21 phân lập từ rễ cây tam thất (Panax pseudoginseng Wall (Panax repens Maxim)); chủng NR8 phân lập từ rễ cây địa liền (Kaempferia galanga L.); các chủng từ NR22-NR27 phân lập từ rễ cây củ mài (Dioscorea persimilis Prain et Burkill).
Các chủng vi sinh vật kiểm định (VSVKĐ) gồm có:
+ Vi khuẩn Gr(+): Bacillus subtilis ATCC 27212; Staphylococcus aureus ATCC 12222.
+ Vi khuẩn Gr(-): Escherichia coli ATCC 25922,Pseudomonas aeruginosa ATCC 25923.
+ Nấm men: Saccharomyces cerevisiae ATCC 7754, Candida albicans SH 20.
+ Nấm mốc: Aspergillus niger 439, Fusarium oxysporum M42.
Phương pháp: Tách chiết các chủng nấm; Thử hoạt tính sinh học; Thử hoạt tính kháng VSVKĐ; Thử khả năng gây độc tế bào (cytotoxicity); Hoạt tính chống oxy hóa trên hệ DPPH.
Kết luận:
1. Đã đánh giá hoạt tính kháng vi sinh vật, hoạt tính chống oxy hóa, hoạt tính gây độc tế bào của 16 dịch chiết ethylaxetat từ các chủng nấm rễ phân lập trên cây một số cây thuốc của Việt Nam với kết quả như sau:
+ 8 cặn chiết (chiếm tỉ lệ 50%) có hoạt tính kháng từ 1-8 VSVKĐ với giá trị MIC từ 100-200 µg/ml, trong đó chủng NR13 phân lập từ cây khổ sâm có khả năng kháng được cả 8 chủng VSVKĐ.
+ 9/16 (56,25%) cặn chiết có hoạt tính gây độc ít nhất với 1 dòng tế bào ung thư, trong đó 6 cặn chiết thể hiện hoạt tính gây độc với cả 2 dòng tế bào ung thư. Các chủng nấm rễ có hoạt tính gây độc tế bào được phân lập từ các cây khổ sâm, tam thất, địa liền và củ mài.
+ 4/16 cặn chiết biểu hiện hoạt tính chống oxy hóa (25%). Các mẫu có hoạt tính được phân lập từ cây khổ sâm, cây địa liền và cây củ mài.
2. Một số cây có các chủng nấm rễ có hoạt tính tốt là cây khổ sâm, cây địa liền, tam thất và củ mài.
Tạp chí Dược học, ISSN: 0866-7861