Tạp chí Dược học, T. 52, S. 5 (2012)

Cỡ chữ:  Nhỏ  Vừa  Lớn

Chiết xuất, xác định hàm lượng và khảo sát tác dụng dược lý của phân đoạn polysaccharid từ nấm linh chi nuôi trồng tại Thừa Thiên Huế

Trần Thị Văn Thi, Nguyễn Thị Hoài, Lê Trung Hiếu

Tóm tắt


Linh chi tác dụng tốt như chữa suy nhược thần kinh, các bệnh tim mạch, điều hoà huyết áp, làm giảm lượng đường và cholesterol trong máu, tác dụng chống oxy hoá, bảo vệ gan, kích thích miễn dịch... Tác dụng của dược liệu chủ yếu do 2 thành phần chính mang lại là polysaccharid và triterpenoid. Nghiên cứu này được thực hiện trên loài nấm linh chi được nuôi trồng tại Thừa Thiên Huế, tập trung vào xây dựng quy trình chiết xuất, định lượng polysaccharid và thử một số tác dụng của dịch chiết phân đoạn này. 

Phương pháp nghiên cứu

Mẫu nguyên liệu là nấm linh chi được nuôi trồng tại Hợp tác xã Phú Lương I, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Xử lý mẫu, chiết xuất và tinh chế cao polysaccharid. Định lượng polysaccharid trong cao toàn phần bằng phương pháp Dubois - đo mật độ quang dựa trên phản ứng tạo màu với phenol- acid sulfuric dùng D-Glucose làm chất chuẩn. Thử độc tính cấp, tác dụng bảo vệ gan,  tác dụng chống oxy hoá. Ở nghiên cứu này, mặc dù cao chiết polysaccharid không thể hiện tác dụng chống oxy hoá nhưng lại có hoạt tính tốt trong việc bảo vệ tế bào gan trên cả 3 tiêu chí: ức chế sự tăng hoạt độ men ALT, men AST (kết quả tương đương với silymarin) và bilirubin toàn phần trong huyết thanh trên mô hình thử nghiệm.

Kết quả

Đã chiết xuất cao polysaccharid toàn phần từ mẫu dược liệu nấm linh chi Ganoderma lucidum trồng tại Phú Lương, tỉnh Thừa Thiên Huế. Hàm lượng cao polysaccharid toàn phần là 4,57 ± 0,18 % (P = 0,95; n =3) so với dược liệu khô tuyệt đối. Áp dụng phương pháp phân tích đo mật độ quang đã xác định được hàm lượng polysaccharid trong cao toàn phần là 86,00 ± 0,53% (P = 0,95; n =6). Ở liều thử nghiệm tương đương 94,45 g cao/kg thể trọng chuột, cao polysaccharid không thể hiện độc tính cấp. Cao chiết này không thể hiện tác dụng chống oxy hoá trong mô hình thử nghiệm, nhưng có tác dụng bảo vệ gan tốt với khả năng ức chế lần lượt 55,78%, 51,72% và 7,07% sự tăng hoạt độ men ALT, AST và bilirubin toàn phần trong huyết thanh.




Tạp chí Dược học, ISSN: 0866-7861