Tiếng Việt trong bối cảnh thống nhất đất nước, hội nhập và phát triển
Tóm tắt
Từ năm 1975 đất nước thống nhất đến nay vừa tròn 40 năm (1975-2015). 40 năm qua, đất nước ta có những thay đổi lớn lao về mọi mặt. Với chức năng phản ánh xã hội, các ngôn ngữ ở Việt Nam đã phản ánh một cách toàn diện sự thay đổi này. Với tư cách là một hiện tượng xã hội đặc biệt, đến lượt mình, các ngôn ngữ ở Việt Nam lại chịu tác động của bối cảnh xã hội Việt Nam nên cũng theo đó thay đổi nhằm thực hiện cho được chức năng giao tiếp của mình. Đối với một quốc gia đa dân tộc và đa ngôn ngữ như Việt Nam, việc khẳng định vị thế ngôn ngữ quốc gia cũng như vị thế của từng ngôn ngữ trong mối quan hệ giữa các ngôn ngữ với nhau là đặc biệt quan trọng. Bởi, sự khẳng định này đảm bảo cho một trạng thái đa ngữ-đa thể ngữ ổn định, cân bằng động, tạo nên sự thống nhất trong đa dạng. Sự thống nhất đảm bảo cho vị thế quốc gia của tiếng Việt thực hiện chức năng là ngôn ngữ Nhà nước trong giao tiếp công quyền, trong nhà trường, trên các phương tiện truyền thông của trung ương và trong đối ngoại. Ở trong nước, tiếng Việt trở thành một công cụ giao tiếp không thể thiếu đối với mọi người dân Việt Nam. Trên trường quốc tế, tiếng Việt được biết đến ngày một nhiều và đang trở thành một ngoại ngữ cần thiết của nhiều người trên thế giới.
Toàn văn: PDF
Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống