Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ, T. 12, S. 2 (2009)

Cỡ chữ:  Nhỏ  Vừa  Lớn

MÔ HÌNH HÓA CHẤT LƯỢNG KHÔNG KHÍ NỒNG ĐỘ ÔZÔN MẶT ĐẤT CHO KHU VỰC LỤC ĐỊA ĐÔNG NAM Á

Le Hoang Nghiem, Nguyen Thi Kim Oanh

Tóm tắt


Khuếch tán trên phạm vi rộng của ôzôn mặt đất và tiền chất của nó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất  lượng không khí của các khu vực tiếp nhận dưới hướng gió. Vấn đề vận chuyển chất ô nhiễm ôzôn xuyên vùng đã được nghiên cứu cách đây hơn 3 thập kỷ ở Châu Âu và Hoa Kỳ nhưng chưa được nghiên cứu ở khu vực Đông Nam Á. Bài báo này trình bày kết quả nghiên cứu áp dụng công cụ mô hình xác định sự phân bố ôzôn cho khu vực lục địa Đông Nam Á (CSEA) bao gồm Thái Lan, Miến Điện, Campuchia, Lào và Việt Nam. Hệ thống mô hình chất lượng không khí CMAQ - MM5 được sử dụng trong nghiên cứu này. Khu vực mô hình hóatrải dài từ kinh độ 91o Đông  đến 111o Đông và từ vĩ độ 5o Bắc đến 25o Bắc. Hai kịch bản ô nhiễm ô zôn nồng độ cao từ 24 đến 26 tháng 3 năm 2004 và từ 2 đến 5 tháng 1 năm 2005 xảy ra trong điều kiện khí tượng điển hình của khu vực Đông Nam Á được lựa chọn để mô hình hóa. Các kịch bản này được phân tích và lựa chọn trên cơ sở số liệu quan trắc chất lượng không khí từ 10 trạm ở Băng Cốc, Thái Lan và 4 trạm ở thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Các kịch bản lựa chọn trong nghiên cứu nghiên cứu này có nồng độ ô zôn trung bình giờ ở các trạm quan trắc vượt quá giá trị cho phép 100 ppb của tiêu chuẩn chất lượng không khí xung quanh của Thái Lan và Việt Nam. Nồng độ ôzôn mặt đất lớn nhất cho kịch bản tháng 3 năm 2004 là 173 ppb và cho kịch bản tháng 1 năm 2005 là 157 ppb. Hệ thống mô hình được thực hiện với dữ liệu phát thải 0.5o × 0.5o thu thập từTrung Tâm Nghiên Cứu Môi Trường Vùng và Toàn Cầu (CGRER) của Đại Học Iowa. Kết quả mô hình minh họa trong bản đồ ô nhiễm ôzôn mặt đất cho thấy nồng độ ôzôn cao tại các khu vực dưới hướng gió của các thành phố lớn như Băng Cốc và thành phố Hồ Chí Minh. Trong kịch bản tháng 3 năm 2004 vệt khói khuếch tán ôzôn di chuyển theo hướng Đông Bắc do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam và chiều rộng của vệt khói với nồng độ ôzôn lớn hơn 100 ppb là 70 km cho khu vực Băng Cốc. Đối với thành phố Hồ Chí Minh vệt khói khuếch tán ôzôn di chuyển theo hướng Bắc và chiều rộng của vệt khói với nồng độ ôzôn lớn hơn 50 ppb là 40 km.

Trong kịch bản tháng 1 năm 2005 vệt khói khuếch tán ôzôn di chuyển theo hướng Tây Nam do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc và chiều rộng của vệt khói với nồng độ ôzôn lớn hơn 100 ppb là 50 km cho khu vực Băng Cốc, trong khi đó đối với thành phố Hồ Chí Minh vệt khói khuếch tán với nồng độ ôzôn lớn hơn 50 ppb có chiều rộng là 30 km.

Kết quả mô phỏng của mô hình được so sánh, đánh giá với các số liệu ôzôn đo đạc được tại các trạm quan trắc. đánh giá này cho thấy hệ thống mô hình có thể mô phỏng các nồng độ ô zôn cực đại xảy ra trong các kịch bản trên cũng như mô phỏng được tiến trình dao động nồng độ ôzôn trong những ngày của kịch bản lựa chọn. Các chỉ số thống kê đánh giá kết quả mô hình như MNBE, NGE, và UPA nằm trong giới hạn cho phép theo hướng dẫn của USEPA và phù hợp với các nghiên cứu khác cho các khu vực khác nhau trên thế giới. Điều này chứng tỏ rằng hệ thống mô hình MM5-CMAQ là công cụ thích hợp cho việc mô hình hóa ôzôn mặt đất cho khu vực Đông Nam Á.


Toàn văn: PDF

Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ/Journal of Science and Technology Development
ISSN: 1859-0128

VietnamJOL is supported by INASP